Khắc tinh của tôi

Khắc tinh của tôi, tôi thích em mất rồi!



***



Liên Hương nặng nhọc kéo lê chiếc va li bốn mươi cân đến trước mặt tôi, mồ hôi lấm tấm trên khuôn trán, bàn tay phải liên tục vỗ vào ngực hòng trấn áp hơi thở đang ngày một gấp gáp. Một thằng con trai ga lăng trong trường hợp này chắc chắn sẽ đứng bật dậy với tốc độ ánh sáng, chạy đến bên cô ấy và đỡ lấy chiếc va li, nhưng tôi lại xem như không có chuyện gì, bình thản giơ tay gọi thêm một ly trà nóng.


"Anh có phải con trai không đấy?". Cô ấy lườm tôi bằng ánh mắt nảy lửa.


"Đương nhiên, anh là con trai mà!". Tôi giả vờ không hiểu ý cô ấy, chậm rãi nhấp một ngụm café đá rồi khà ra một tiếng sảng khoái.


"Đã thế lại còn gọi trà nóng nữa chứ, anh muốn em nóng chết đây mà!". Liên Hương ngồi xuống bên cạnh tôi, đôi môi cong lên hờn dỗi.


Lát sau, phục vụ bàn mang lên một tách trà bốc hơi nghi ngút. Không khí giữa hạ vốn đã nóng nực nay như bị đun sôi. Tôi quay mặt chỗ khác, cố giấu đi nụ cười ma mãnh.


"Anh chẳng yêu em, chẳng thương em...". Cô ấy phụng phịu, miệng nhằm ly trà thổi phù phù.


Tôi phì cười, nghiêng đầu chăm chú nhìn Liên Hương, sau đó ghé sát vào tai cô ấy thì thầm: "Đáng đời! Ai bảo hồi đó em hại anh thê thảm!".



***



Tôi từng cho rằng mình là một kẻ bỏ đi không hơn không kém. Bố mẹ tôi cũng dự đoán con của họ sẽ "chẳng làm nên trò trống gì". Ừ thì một thằng con trai học hành lởm khởm, điểm số lúc nào cũng đội sổ có thể làm được gì to tát ngoài việc một ngày ăn ba bữa báo hại gia đình, trở thành đối tượng thường xuyên bị đem so sánh với những đứa "con nhà người ta" và khiến dân số trái đất thêm đông đúc. Thậm chí dù không nói toạc ra nhưng tôi biết thừa biết nhiều người cho rằng nếu tôi không được sinh ra, thế giới sẽ vì thế mà tốt đẹp hơn một chút.


Mười sáu tuổi, tôi cảm thấy gia đình như một cái lồng tối mà bản thân là con thú bị nhốt bên trong. Buồn thay con thú ấy chẳng phải loài hổ dữ tợn có nanh vuốt sắc nhọn mà chỉ là một chú mèo hen yếu ớt, mới lỡ miệng kêu meo meo vài tiếng đã bị người ta cho ăn đòn nhừ tử. Tôi không được phép than vãn, không được phép khóc lóc, càng không thể chống đối, người ta bảo sao thì phải làm y như vậy nếu không muốn bị "cút ra khỏi nhà". Khi đến trường, thầy cô nhồi nhét vào đầu tôi hàng tá công thức, định lý mà đến giờ phút này tôi vẫn chẳng hiểu chúng giúp ích được gì cho cuộc sống. Lúc về nhà lại nghe bố mẹ ra rả bên tai về những kỳ vọng họ dành cho tôi, rằng tôi phải trở thành người này người kia để họ được "nở mày nở mặt". Không ai nói cho nghe ước mơ có hình thù như thế nào, sự tồn tại của tôi có ý nghĩa gì. Tôi lạc lối trong mê cung mà cuộc sống bày sẵn, tính cách trở nên ương bướng, thái độ ngày càng bất cần. Chuyện "động trời" nào tôi cũng dám làm, từ bỏ làm bài tập, quay cóp trong giờ kiểm tra, đến trốn học đi chơi điện tử, bày trò trêu trọc bạn bè, nói dối gia đình, thậm chí giả mạo chữ ký phụ huynh. Hậu quả là năm học lớp mười tôi phải ở lại lớp, nói khó nghe hơn là "đúp". Bố tôi từ cuộc họp tổng kết năm trở về nhà, mang theo bộ mặt u ám như bị phủ lên một lớp sương dày đặc. Từ đó trở đi nhất cử nhất động của tôi đều bị kiểm soát chặt chẽ. Tự do bỗng dưng biến thành một thứ quá xa xỉ.



***



Tôi thản nhiên đi "học lại" lớp mười với một thân phận không thể hợp lý hơn: Học sinh mới. Khối lớp mười là tập hợp những học sinh mới chân ướt chân ráo vào trường nên đương nhiên chúng nó mù tịt về quá khứ bất hảo của tôi. "Cứ nói dối thế chả ai biết đấy là đâu". Tôi khịt mũi khâm phục sự thông minh của mình. Thực ra nếu tôi mặt dày thừa nhận: "Ừ, tao bị đúp đấy" thì đúng là hết thuốc chữa rồi, nhưng cũng may não bộ của tôi còn chưa mất đi dây thần kinh xấu hổ.


Lớp trưởng lớp "học lại" tên là Liên Hương, cái tên nghe dịu dàng thế nhưng tính cách lại hoàn toàn trái ngược. Con bé ấy cậy mình có chút nhan sắc, học hành không đến nỗi nào, lại được thầy cô yêu mến nên thường xuyên chống đối tôi. Những trò nghịch dại trong lớp, những buổi tôi cùng các "chiến hữu" cúp học đi chơi, con bé đều ghi chép tỉ mỉ sau đó báo cáo cô chủ nhiệm. Chưa hết, tối nào con bé cũng gọi điện đến nhà "mách lẻo" với bố mẹ tôi về những điểm trứng ngỗng trong sổ đầu bài, hại tôi nhiều phen bị nhốt trong phòng với chồng sách vở dày cộp đặt trên bàn, còn bố tôi đứng ngoài đi đi lại lại chẳng khác nào cảnh sát đang canh chừng tội phạm.


"Này, Liên Hương, cậu buông tha cho tôi đi được không?". Tôi ngồi xuống cạnh con bé, quyết tâm phải nói chuyện "ra ngô ra khoai".


Liên Hương vênh mặt, thậm chí chẳng thèm liếc tôi một cái.


Tôi tức sôi máu, đập mạnh tay xuống mặt bàn: "Cậu có biết cậu rất phiền không? Tôi quay cóp, tôi trốn học, tôi bị điểm kém thì liên quan đếch gì đến cậu, tại sao cậu cứ thích nhúng mũi vào chuyện của tôi thế? Từ giờ làm ơn tránh xa thằng này ra được không?".


Tôi gào to đến mức mấy đứa con gái bàn bên cạnh giật nảy mình, nhưng Liên Hương chẳng hề tỏ ra sợ hãi, trái lại con bé còn đứng lên dõng dạc hét vào mặt tôi: "Nguyễn Minh Hùng! Cậu nghĩ cậu là ai chứ? Nếu không phải cô giáo chủ nhiệm giao nhiệm vụ trông chừng cậu cho tôi, cậu tưởng tôi thích bám theo đứa con trai đầu đường xó chợ như cậu sao? Làm ơn tỉnh lại giùm, ai mới là người phải buông tha ai đây?".


Hai hàm răng nghiến vào nhau ken két, tôi găm tia nhìn giận giữ lên người con bé. Không những gọi cả họ tên đầy đủ của tôi, con bé còn dám bảo tôi là hạng "đầu đường xó chợ" nữa chứ, tại sao nó dám, nó dám?


"Sao nào, tức rồi à? Tức thì làm được gì được nhau? Định đánh tôi chắc?". Thấy tôi nhất thời im lặng, con bé được đà lần tới. Nó cúi xuống ghé sát mặt tôi, lấy tay vỗ lên má, ngụ ý: "Mặt đây này, có giỏi thì đánh đi". Tôi có thể ngửi thấy mùi dầu gội đầu thoang thoảng tỏa ra từ mái tóc con bé, trái tim vô cớ đập lỗi một nhịp.


Tình hình càng lúc càng tệ hơn. Không hiểu sao gương mặt tôi cứng đờ như bị đóng băng, hai mang tai nóng ran như có lửa đốt, tôi bối rối đứng dậy bỏ đi, miệng lắp bắp: "Thằng này... thằng này không thèm chấp con gái!". Lũ bạn trong lớp bụm miệng cười, vỗ tay rầm rầm, sau đó đồng thanh hô vang: "Liên Hương số một, Liên Hương số một...", con bé mặt cười cợt tỏ ra đắc ý lắm. Nghĩ lại trước giờ mình chưa từng "thảm bại" như thế bao giờ, máu trong người tôi sôi lên một trăm độ bốc hơi ra ngoài. Tôi nắm chặt hai bàn tay, quay lại nhìn con bé hậm hực: "Được rồi, là cô ép tôi đấy nhé!".



***



Hôm sau, Liên Hương mắt tròn mắt dẹt khi trông thấy tôi đã yên vị ngồi trong lớp học vào lúc sáu giờ sáng tinh mơ. Đôi mắt trong vắt như nước mùa thu của con bé gườm gườm nhìn tôi hồi lâu như vẫn chưa tin những gì nó thấy là sự thật.


"Hôm nay cậu đến sớm quá nhỉ? Mặt trời mọc ở đằng tây sao?". Con bé cất giọng giễu cợt.


Tôi không đôi co với con bé như mọi khi, giả bộ mỉm cười thân thiện: "Mình nghĩ kỹ rồi, từ giờ mình sẽ đi học đúng giờ, chăm chỉ làm bài tập để cậu không phải bận tâm đến mình nữa".


Con bé làm mồm hình chữ A, nói giọng lý nhí: "Ừ, được thế thì tốt!".


Liên Hương nhét chiếc túi xách vào ngăn bàn, chỉ đợt con bé đặt mông xuống chỗ của nó, tôi lập tức cười phá lên ha hả: "Liên Hương à Liên Hương, cậu hãy nhớ cho kỹ ngày hôm nay, đây là hậu quả của việc chống đối tôi đấy! Tất cả là do cậu tự chuốc lấy, đứng trách tôi nhé!".


"Cậu nói gì cơ?". Con bé nhăn mặt không hiểu chuyện, toan đứng dậy nhưng không được, nhận ra rõ ràng có thứ gì đó kéo nó trở lại.


"Sao, không đứng lên được phải không? Keo tôi mua được quảng cáo là loại tốt nhất đang có trên thị trường đấy, không nóng không rát, lại rất an toàn với da. Cậu cứ yên tâm ngồi yên ở đó nhé!".


"Đồ khốn!". Liên Hương giận đến tím tái mặt mày nhưng vẫn cố gắng tỏ ra bình tĩnh.


"Tôi thành thật khuyên cậu đừng dùng dao hay kéo gì để mà cắt, thế nào cũng rách cả quần đấy, lúc đấy thì hay ho lắm". Tôi vừa nói vừa làm mặt biểu cảm.


"Cút đi!". Con bé cứng miệng nhưng khóe mắt đã bắt đầu đỏ hoe. Tôi hừ một tiếng rồi bỏ ra ngoài, không biết vì lý do gì mà trong lòng không dễ chịu.


Khắc tinh của tôi đã bị trừng phạt thích đáng, nhưng tại sao tôi không cảm thấy vui?


Tôi cúp học hai tiết đầu tiên, đến gần trưa mới trở về lớp, nhưng vừa đặt chân đến cửa tôi đã cảm thấy có gì đó không đúng. Bình thường Liên Hương sẽ đứng đợi tôi ngoài cửa, trên tay cầm sẵn cây bút và quyển sổ, bĩu môi lắc đầu và đọc bản tuyên án: "Minh Hùng! Ngày x-y-z, trốn học vào tiết a, b, c", sau đó khoảng 5 phút là y như rằng thầy giám thị hoặc cô chủ nhiệm sẽ lôi tôi ra ngoài hành lang "dạy bảo" một trận. Hôm nay gió đã đổi chiều, con bé chẳng thể lên mặt với tôi nữa rồi.


Tôi tung tăng huýt sáo bước vào lớp. Không khí lúc này thật huyên náo. Mọi người quây quanh chỗ ngồi của Liên Hương bàn ra tán vào không ngớt, còn con bé đang gục mặt xuống bàn khóc rưng rức. Nhìn mái tóc con bé rối bời, cơ thể rung lên từng hồi theo những tiếng nấc, trái tim tôi hơi trùng xuống, nhưng lý trí vẫn cố chấp: "Đáng đời! Ai bảo thích lo chuyện bao đồng!".


Đám bạn đứa nào đứa nấy tỏ ra ngẫm nghĩ, hàng loạt giải pháp được đưa ra nhưng đều không có tác dụng. Lấy dao cắt không khéo sẽ rách quần, dùng chất hóa học để làm mềm keo thì chẳng ai biết là chất gì. Thực ra tôi đã tính toán đâu ra đó ngay từ đầu. Cách khả thi nhất trong tình huống này là...thay quần, trong balo của tôi đã chuẩn bị sẵn một chiếc quần đồng phục cho con bé, nói gì thì nói tôi cũng không muốn "đuổi cùng giết tận". Nhưng con bé nhất quyết không chịu mở miệng cầu xin thì tôi cũng chẳng hơi đâu làm chuyện thừa thãi. Chỉ có điều tiếng khóc ngày một to ấy, những giọt nước mắt rơi ướt sàn nhà ấy...Tôi sắp không chịu được nữa rồi!


"Liên Hương, em có biết ai làm trò này không Cô chủ nhiệm cất giọng đanh thép.


Con bé ngẩng đầu lên để lộ hai hàng mi ướt nhèm, len lén nhìn về phía tôi. Khoảnh khắc bốn mắt chạm nhau, tôi làm ngơ quay mặt đi chỗ khác. Tôi luôn cho rằng khi trông thấy bộ dạng thảm hại của con bé, tôi hẳn sẽ nhảy cẫng lên vì vui sướng, nhưng cảm giác lúc ấy hình như không giống niềm vui cho lắm!


"Xì! Cứ việc khai tôi ra đi, xem ai sợ ai?". Tôi nghĩ thầm, nhếch mép cười.


"Liên Hương! Là ai làm?". Cô giáo gằn giọng, gương mặt đầy nộ khí.


"Dạ! Em... không biết!". Con bé nghẹn ngào đáp.


Khoảnh khắc ấy trái tim tôi như ngừng đập, sống mũi bất giác cay xè, cổ họng nghẹn cứng như có tảng đá chắn ngang. Tôi có nghe nhầm không? Hay tai tôi bị hư rồi? Tại sao con bé không khai tôi ra. Nếu đổi lại là tôi, chẳng đời nào tôi bỏ qua một cơ hội trả đũa tốt như thế. Những giọt lệ ấm nóng không ngừng trào ra khiến cõi lòng phút chốc hóa băng lạnh. Tôi lặng ngồi ngắm nhìn Liên Hương chẳng biết bao lâu, lồng ngực trở nên nặng nề do nín thở quá lâu. Lần đầu tiên tôi phải thừa nhận con bé rất xinh đẹp dù nhìn từ bất kỳ góc độ nào.


Ngoài trời gió thổi cành lá va vào nhau xào xạc. Nắng len mình qua ô cửa kính trong suốt, khẽ đậu lên gương mặt nhạt nhòa nước mắt của Liên Hương như muốn hong khô những ấm ức tủi hờn. Tôi chẳng thể kìềm chế được nữa, lấy từ trong balo ra chiếc quần đồng phục chuẩn bị từ trước, tiến đến đặt trước mặt con bé rồi quay người chạy vụt đi.


Những ương bướng thuở ấy hòa vào nắng trong veo, nhẹ nhàng tan đi hết...



***



Sau sự cố hôm ấy, Liên Hương biến mất khỏi cuộc sống của tôi như giọt nước bốc hơi, hoàn toàn không lưu lại chút dấu vết. Tôi cuối cùng cũng cắt được cái đuôi phiền phức. Con bé không còn bám theo nói này nói nọ mỗi khi tôi vi phạm nội quy, thậm chí chẳng thèm mở miệng nói với tôi một lời. Chúng tôi như biến thành hai con người xa lạ, không còn những trận cãi vã nảy lửa, cũng chẳng còn những cuộc điện thoại "kể tội" với bố mẹ tôi sau bữa cơm tối.


Tôi bỗng dưng thấy nhớ những lời mách lẻo "đáng ghét" của con bé, nào là "Bạn Hùng hôm nay bị điểm kém môn X", "Bạn Hùng giấu cặp sách của bạn Y", "Bạn Hùng quay cóp trong giờ kiểm tra", "Bạn Hùng cãi lại cô giáo", "Bạn Hùng bị ghi sổ đầu bài". Nhìn chiếc điện thoại im ắng chẳng chịu đổ chuông, nỗi trống vắng mơ hồ len lỏi vào tim. Con bé vô tình đã trở thành một thói quen mà tôi không nỡ bỏ, lúc hiện hữu thì vô tâm coi là lẽ đương nhiên, khi biến mất mới thở dài ngoảnh mặt kiếm tìm.


"Tại sao cậu không khai tôi ra?". Tôi mang bộ mặt nghiêm túc đến hỏi Liên Hương, nhưng tất cả những gì nhận được chỉ là sự im lặng đến đáng sợ. Con bé hờ hững bước qua như không nhìn thấy tôi, gương mặt lạnh băng không để lộ chút cảm xúc nào.


"Mình xin lỗi!". Tôi lý nhí, chẳng dám quay mặt lại đối diện với con bé.


Những bước chân Liên Hương hơi khựng lại, nhưng cũng chẳng mất bao lâu cho những phân vân, con bé quyết định đi tiếp, bỏ tôi ở lại với những mông lung chưa có lời giải. Trái tim tôi chợt nhói đau như có ai đó lấy tay bóp chặt. Thì sự trả thù tàn khốc nhất không phải đẩy đối phương đến bước đường cùng, mà chính là lãng quên...


Khắc tinh của tôi, tôi thích em mất rồi!



***



Khi thích một người, bạn sẽ tìm đủ mọi cách để bản thân trở nên tốt đẹp hơn trong mắt người đó. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Nhưng cố gắng là một chuyện, kết quả ra sao lại là chuyện khác. Tôi trở nên "ngoan" hơn, không còn trốn học, không còn bày trò trêu trọc bạn bè, nhưng học hành chưa bao giờ là sở trường của tôi, nhất là môn ngữ văn. Cái gì mà:


Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi


Thú thật tôi chẳng hiểu gì cả. Nắng đẹp thế sao lại muốn tắt đi, gió đang mát sao lại muốn buộc lại. Tôi lắc đầu ngao ngán, đưa mắt lơ đãng nhìn ra ngoài khung cửa sổ, mặc cô giáo thao thao bất tuyệt trên bục giảng. Bầu trời hôm ấy cao vợi, mây trắng bay xa xôi. Tôi hít thật sâu một ngụm khí trong lành vào phổi, lần đầu nhận ra chỗ ngồi cạnh cửa sổ thực sự rất tuyệt, vừa sạch sẽ, thoáng mát lại có thể thỏa sức ngắm nhìn phong cảnh bên ngoài.


Lòng tôi hơi trùng xuống khi nghĩ đến Liên Hương. Con bé vẫn chưa chịu nói chuyện với tôi. Thỉnh thoảng trông thấy con bé cười đùa với đứa con trai khác, trái tim tôi khó chịu đến mức muốn nổ tung. "Đồ nhỏ mọn! Rút cuộc đến khi nào cậu mới chịu tha thứ cho tôi? Cậu còn định hành hạ tôi đến bao giờ nữa?". Tôi nhăn mặt, mắt vẫn dính chặt vào những đám mây trên trời.


"Cạch, cạch...". Tiếng thước gỗ đập lên mặt bàn làm tôi giật nảy mình.


"Minh Hùng! Anh có nghe giảng không? Mắt nhìn đi đâu đấy?". Cô giáo dạy văn cất giọng bực tức, cả lớp mấy chục con mắt đổ dồn về phía tôi.


"Em vẫn đang nghe đấy chứ!". Tôi chống chế.


"Lại còn cãi à? Đứng lên giải thích cho tôi ý nghĩa câu thơ vừa rồi!".


Tôi gãi đầu đứng dậy, giẫm nhẹ vào chân thằng bạn ngồi cùng bàn, mắt nhấp nháy ra hiệu: "Câu nào mày ơi?".


"Tháng giêng ngon như một cặp môi gần". Nó thì thầm.


"Sao? Có biết tôi đang phân tích câu nào không?".


"Tháng giêng ngon như một cặp môi gần ạ!". Tôi đáp.


"Lại được bạn nhắc đúng không? Giải thích cho tôi tại sao tháng giêng đối với Xuân Diệu lại có vị ngon như một cặp môi gần?".


"Dạ...Tại vì...". Tôi lúng túng gãi đầu. Xuân Diệu ơi Xuân Diệu. Nếu có kiếp sau bác làm ơn sáng tác mấy bài thơ dễ hiểu một chút được không?


"Dạ cái gì mà dạ, tóm lại anh có biết không?". Cô giáo tiếp tục chất vấn trong khi tôi càng lúc càng bối rối.


"Câu đó có nghĩa là tháng giêng giống như..., giống như...". Tôi ấp úng.


"Giống như cái gì?".


"Giống như khi hai đôi môi chạm nhau, tức là người ta hôn nhau ấy ạ, vị... vị... rất là ngon!".


Cả lớp ồ lên, kẻ há hốc mồm, người ôm bụng cười nắc nẻ. Những tiếng ha ha, ha hả phát ra không ngớt. Chúng nó cười to đến mức các lớp xung quanh đều nghe thấy. Mội vài đứa rảnh việc hóng hớt còn từ tấng hai chạy xuống xem hôm nay lớp tôi có chuyện gì đặc sắc diễn ra. Tôi cúi gằm mặt, lén đưa mắt nhìn về phía Liên Hương. Con bé đang lấy tay che miệng, gục mặt vào vai cô bạn cùng bàn cười nghiêng ngả. Khóe mắt bỗng cay cay, tôi chỉ ước lúc đó mặt đất nứt ra để mình chui xuống.


Cuối cùng cô giáo lên tiếng sau một hồi khoanh tay trước ngực lắc đầu lia lịa: "Không điểm!".


Cả lớp im bặt, hướng ánh mặt về phía chỗ ngồi cạnh cửa sổ nhìn tôi thương hại. Tôi lặng lẽ ngồi xuống, nở một nụ cười gượng gạo như muốn chứng minh cho mọi người thấy: "Thằng này vẫn ổn", nhưng sự thật là tôi không ổn chút nào. Chẳng gì tệ hơn bị người mình yêu cười nhạo và thương hại. Nụ cười ấy của con bé khiến trái tim tôi vỡ vụn thành từng mảnh, trái tim tôi vốn lẩm tường được đúc bằng thứ kim loại cứng nhất, hóa ra lại yếu đuối và giòn tan như pha lê vậy.



***


Lớp mười hai, năm học cuối cấp...


Nụ cười tàn khốc ngày ấy của Liên Hương đã vĩnh viễn thay đổi tôi. Tôi mang theo niềm kiêu hãnh bị tổn thương mà lao đầu vào học. Tôi học bất kể ngày đêm, ngủ rất ít và luôn đến trường trong tình trạng toàn thân rã rời, đôi mắt thâm quầng vì thức muộn. Mỗi khi nản lòng tôi lại nhớ đến nụ cười ấy và tự hỏi lòng: "Nỗ lực và tiếc nuối, cái nào đau đớn hơn?". Tôi không muốn hiện lên trong mắt cô ấy như một kẻ hèn kém, không một lần nào nữa...


Chúng bạn không còn nhận ra tôi, tôi dường như cũng không nhận ra chính mình. Điểm số của tôi từ chỗ đứng thứ nhất từ dưới lên, đã đổi thành thứ nhất từ trên xuống. Mặc dù tôi vẫn không hiểu nhồi nhét vào đầu mấy cái công thức định lý ấy thì có tác dụng gì, tôi không thể không thừa nhận mọi chuyện đã dần tốt lên kể từ khi kết quả quả học tập của tôi khởi sắc. Bố mẹ rất tự hào về tôi, đi đâu cũng đem con ra khoe, thầy cô khen tôi hết lời, bạn bè ngày nào cũng đem bài vở nhờ tôi giải hộ, thậm chí tôi còn có mặt tại buổi họp tổng kết năm để chia sẻ về "bí quyết học tập" của mình. Các vị phụ huynh từ cuộc họp trở về nhà đều nói với con cái họ những câu kiểu như: "Đấy, mày xem bạn Hùng học giỏi không", "Nhìn bạn Hùng mà làm gương nhé con! ", "Thằng đấy nó biết lo nghĩ cho tương lai thế chứ, ai như mày!". Ồ không đâu! Bác nhầm rồi, cháu chẳng quan tâm tương lai sẽ ra sao, cháu làm tất cả chỉ vì cô ấy thôi. Thoạt nghe có vẻ rất buồn cười nhỉ, nhưng để đến gần hơn với người mình thích, đôi khi bạn phải học cách chấp nhận những việc bản thân không thích, thậm chí ghét cay ghét đắng. Tôi đối với chuyện học hành cũng giống như đối với Liên Hương, mới đầu là kẻ thù "không đội trời chung", đến cuối cùng lại coi như "tri kỷ". Cuộc sống đúng là vô thường, chẳng có gì bất biến!


Nhưng mặc cho tôi có thay đổi như thế nào, Liên Hương cũng chẳng để tâm. Cô ấy vẫn xem tôi như người vô hình, không nhìn, không gặp, không nói chuyện. Tình trạng ấy tiếp diễn cho đến tận buổi học cuối cùng. Chúng tôi tổ chức liên hoan tổng kết, sau đó cùng nhau hát vang ca khúc "mong ước kỉ niệm xưa". Tôi để ý mắt đứa nào cũng rơm rớm nước. Ba năm trung học tựa như một giấc mộng đẹp thời tuổi trẻ, là niềm vui hay nỗi buồn thì tất cả cũng đã qua hết rồi!


Tôi lặng lẽ ngồi xuống trước mặt Liên Hương, chẳng dám nhìn thẳng vào mắt cô ấy.


"Bạn là ai? Tôi quen bạn không?". Cô ấy cất giọng mỉa mai.


"Liên Hương, đã lâu như vậy cậu vẫn không chịu tha thứ cho mình?". Tôi buồn bã.


"Buồn cười! Tôi đã tránh xa cậu như cậu muốn. Hôm nay chia tay chắc sau này không gặp lại nhau nữa. Tôi nghĩ cậu phải vui mừng đến mức nhảy cẫng lên mới đúng chứ".


"Kìa, Liên Hương...". Tôi thở dài bất lực, nhất thời không biết nên nói gì.


Một khoảng lặng rợn người xuất hiện giữa chúng tôi. Những cánh phượng đỏ rực gieo mình vào gió, đốt cháy mùa hạ cuối cùng trong đời học sinh. Nỗi sợ không tên nhen lên trong trái tim, xâm chiếm từng tế bào trên cơ thể. Tôi sợ Liên Hương coi tôi như người dưng, sợ sau ngày hôm nay sẽ không còn cơ hội thấy lại khuôn mặt thanh tú diễm lệ của cô ấy. Tôi chưa bao giờ dám tưởng tượng cuộc sống thiếu vắng cô ấy sẽ ra sao? Tôi là ai khi không có cô ấy?


"Cậu biết không, mình đã cố gắng rất nhiều: cố gắng đi học đúng giờ, cố gắng làm bài tập, thậm chí bản thân mình là ai cũng quên luôn... Tất cả là... vì cậu đấy!".


"Liên... liên... quan gì đến tôi?". Cô ấy bối rối lảng tránh ánh mắt tôi.


"Mình.. thích cậu!". Tôi thu hết can đảm nói ra những lời từ đáy lòng, cảm giác như lưỡi như bị nuốt vào trong.


Liên Hương căng thẳng đến mức như sắp khóc đến nơi, lấy tay che đi hai gò má ửng hồng, đôi mắt ngại ngùng cụp xuống nhìn mặt bàn.


"Cậu có thể không thích mình, nhưng đừng đối xử với mình như người xa lạ, được không?". Tôi cúi xuống nhìn sâu vào mắt cô ấy, trái tim thổn thức rung lên từng hồi.


Liên Hương cuối cùng cũng chịu nhìn thẳng tôi, nụ cười nhẹ bẫng như áng mây trên trời, những lời nói mấp máy đầu môi theo gió cuốn đi: "Cậu muốn biết câu trả lời của mình không?".


***


Tiếng loa thông báo chuyến bay sắp khởi hành kéo tôi ra khỏi dòng ký ức miên man. Liên Hương đang ngồi cạnh tôi, mồ hôi nhễ nhại, miệng vẫn phù phù thổi ly trà.


"Nhỏ mọn! Có mấy chuyện cỏn con mà cũng để bụng". Cô ấy bắt đầu càu nhàu.


Tôi mỉm cười kéo Liên Hương vào lòng, cúi xuống đặt lên môi cô ấy một nụ hôn thật sâu. Mặt hai đứa nóng ran.


"Cám ơn em đã mang hành lý đến cho anh!". Tôi quàng tay ôm chặt Liên Hương.


"Có ai như anh không, đi công tác mà quên mang hành lý?". Cô ấy nhỏ nhẹ.


"Em biết là anh cố tình mà!". Tôi dụi trán mình vào trán Liên Hương, cảm giác thế giới lúc ấy chỉ tồn tại hai chúng tôi.


"Thôi, anh đi đây, lúc về anh sẽ mua quà cho em". Tôi toan kéo chiếc vali đi nhưng bị cô ấy níu tay lại.


"Anh chưa đi được!".


"Lại gì nữa đây?". Tôi nghiêng đầu trìu mến nhìn Liên Hương.


Cô ấy phụng phịu chỉ tay vào ly trà đặt trên bàn: "Trà nóng thế này em làm sao uống được?".


Tôi cười hắt ra, vẫy tay ra hiệu cho người phục vụ: "Bạn gì ơi! Mang cho bà xã mình một cốc trà đá, càng nhiều đá càng tốt!".

SHARE

3009

Đam mê với web và lập trình, thích viết và chia sẻ, nghiện cà phê và xăm mình, hứng thú với nhạc dân ca và nhạc không lời.

    Blogger Comment
    Facebook Comment