Mua trâu về phóng sinh… 3 năm sau trâu quay lại báo ơn và câu chuyện đẫm nước mắt

Vào triều đại nhà Minh, tại Giang Sơn có một thư sinh tên là Chu Khải, tên chữ là Thọ Nhân. Chu Khải thật thà chất phác, từ nhỏ đã rất hiếu học. Gia đình họ Chu trải qua 3 đời đều không ăn thịt trâu, thịt bò và thịt chó.
Chu Khải đi ra ngoài xem xét, nhìn thấy một con trâu gầy, hai đầu gối quỳ trên mặt đất, nước mắt rơi xuống như mưa. (Ảnh minh họa)
Chu Khải mồ côi cha từ nhỏ, bệnh tật lại nhiều. Vậy mà mỗi lần bị ốm nặng, Chu Khải chỉ cần uống một bát canh thịt bò thì sức khỏe của anh lại chuyển biến tốt hơn. Vì vậy, từ nhỏ đến lúc trưởng thành, Chu Khải ăn thịt bò không phải ít. Chu Khải hàng ngày đều đi sang làng bên dạy học kiếm tiền sinh sống.
Vào Tết Đoan ngọ của năm nọ, khi Chu Khải chuẩn bị về nhà, anh được chủ nhà trả tiền thù lao, tổng cộng hơn 8 lượng bạc. Trên đường về nhà, trời bỗng nhiên đổ mưa, Chu Khải bèn đến ngôi miếu cổ ven đường trú mưa. Vừa bước vào miếu, anh nhìn thấy trên tường có dán hai tờ giấy, một tờ ghi: “Quả báo của giết trâu (bò)”, một tờ ghi: “Quả báo của ăn thịt trâu (bò)”. Những lời được viết trong hai tờ giấy này rất rõ ràng, dễ hiểu mà lại thống thiết bi ai. Khiến cho Chu Khải nhớ lại hồi nhỏ ăn thịt bò không ít, nên cảm thấy vô cùng hổ thẹn.
Anh ta thầm nghĩ: “Mình năm nay đã 29 tuổi, đến bây giờ vẫn không thi đậu tú tài, có thể là do duyên cớ ăn thịt bò. Hơn nữa, Chu gia chúng ta lại có giáo huấn của tổ tiên đã ba đời nay không ăn thịt bò, thịt chó. Mình lại vi phạm lời giáo huấn này, đây là tội bất hiếu. Trâu bò vì chúng ta mà cày cấy ruộng đồng, vận chuyển lương thực, công lao to lớn vậy mà mình lại ăn thịt chúng, đây là tội bất nhân. Phóng túng ham muốn ăn uống của bản thân, đây thuộc về bất nghĩa. Nhìn thấy loại hành vi này là có báo ứng nghiêm trọng mà không cải sửa là thuộc về không có trí tuệ. Mình đã phạm phải 4 trọng tội, chỉ e tai họa đang sắp rơi xuống rồi huống chi nói đến công danh, phúc báo?” Thế là Chu Khải bèn đi đến trước mặt tượng Thần, dập đầu cầu xin, thề từ đó trở đi không bao giờ ăn thịt trâu bò nữa.
Sau khi mưa tạnh, Chu Khải đang chuẩn bị lên đường về nhà thì gặp ngay người chuyên giết thịt trong làng tên là Vưu Quang Vũ đi tới. Chu Khải hỏi: “Anh sao lại đến miếu này?”
Vưu Quang Vũ trả lời: “Nhà tôi mới mua một con trâu rất gầy, tôi đang lo sẽ lỗ vốn nên đến miếu để xin quẻ”.
Chu Khải lại hỏi: “Thế con trâu đó ở đâu?“
Vưu Quang Vũ nói: “Ở ngay ngoài miếu kia”.
Chu Khải đi ra ngoài xem xét, nhìn thấy một con trâu gầy, hai đầu gối quỳ trên mặt đất, nước mắt rơi xuống như mưa. Nhìn thấy nó, Chu Khải cảm thấy rất thương xót, liền hỏi Vưu Quang Vũ con trâu đó giá bao nhiêu tiền. Vưu Quang Vũ trả lời: “Con trâu này giá 7 lượng bạc”. Chu Khải lấy đủ số bạc ra trả cho Vưu. Vưu nghĩ rằng giá mà anh ta đưa ra thấp nên lại đòi thêm một chút, Chu Khải cũng đồng ý và trả đủ cho anh ta.
Sau khi Chu Khải mua được con trâu này, liền lấy ra một miếng gỗ rồi viết lên bốn chữ: “Thần minh phóng sinh” rồi treo ở trên cổ con trâu. Sau đó, anh ta cởi dây thừng xỏ trên mũi con trâu ra và thả cho nó đi.
Đúng vào năm đó, Chu Khải thi đậu tú tài hơn nữa còn trở thành con rể của Vương gia. Vương gia là một gia tộc danh giá trong vùng.
Ngay hôm cưới, lúc Chu Khải đang uống rượu với cha vợ và kể về chuyện năm xưa thì một người hầu đi vào nói: “Thưa chủ nhân, ở ngoài cổng nhà ta có một con trâu, trên cổ đeo một tấm gỗ, đuổi thế nào cũng không chịu đi ạ!”
Chu Khải nghe vậy liền ra xem xét, anh nhận ra đúng là con trâu mà mình đã phóng sinh. Chu Khải bèn sai người hầu dắt con trâu đó đến một phòng trống đằng sau vườn.
Trong làng họ, có một tên tội phạm đã phạm tội nhiều lần hiểu rất rõ về gia đình nhà Vương gia. Hắn ta thấy của hồi môn của con gái Vương gia quá nhiều nên đã nảy sinh ý định ăn trộm. Thế là, tên ăn trộm này đã đào một đường hầm từ ngay bên cạnh phòng mà con trâu đang ở để đến thẳng phòng của Chu Khải. Vào đến phòng tân hôn, tên trộm vơ vét hết quần áo và đồ trang sức cho vào một cái túi để chuẩn bị trốn đi. Con trâu kia đột nhiên xông tới, xô đổ cái bàn làm phát ra tiếng động rất lớn. Chu Khải nghe thấy tiếng động liền tỉnh giấc kêu “Có trộm!”. Cả nhà Vương gia đều tỉnh giấc và tập trung bắt trộm. Tên trộm sợ hãi, liền bò ra bên ngoài, con trâu thấy vậy giơ chân lên chặn cái túi lại. Lúc này, tiếng hô bắt trộm như ở ngay sát bên, khiến cho tên trộm đành phải vứt bỏ cái túi lại, chật vật tẩu thoát.
Cha vợ của Chu Khải nhìn thấy đồ vật trong chiếc túi vẫn còn nguyên vẹn nên vô cùng cảm kích con trâu này. Ông liền xỏ dây thừng vào mũi nó và nuôi ở phòng trống bên cạnh, cũng từ đó ông thề không ăn thịt trâu bò.
Sau đó không lâu, vào một buổi tối trời mưa, tên trộm đó lại đến nhà Vương gia. Sau khi phá cổng sau vườn, nhìn thấy con trâu tên trộm vô cùng căm phẫn. Hắn dắt con trâu đi, lấy tấm gỗ vứt bỏ và bán cho một chủ lò mổ lấy bốn lượng bạc.
Vừa hay, ngày hôm sau Chu Khải đi thu nợ thay cha vợ, vừa đến cổng lò mổ liền nhìn thấy con trâu kia. Chu Khải tiến đến hỏi thăm nguyên do và được chủ lò mổ kể lại đầu đuôi sự tình. Con trâu vẫn giống như lần trước, quỳ hai gối trên mặt đất và nước mắt chảy ra. Chu Khải lại một lần mua con trâu ấy và viết lên một tấm gỗ bốn chữ “Lôi điện phóng sinh”, treo ở cổ con trâu và thả cho nó đi.
Sau đó mấy năm, Chu Khải lại tới gia đình người phú hào tên là Chung Khoan ở Cổ Điền dạy học. Lúc ấy, ở làng bên có một toán cướp. Gia đình Chung Khoan giàu có nên vô cùng lo lắng. Chu Khải giúp Chung Khoan bày mưu tính kế, tập hợp người làm để tu sửa nhà, xây tường cao để đề phòng bất trắc. Bỗng nhiên, có người đến báo: “Có một con trâu không biết từ đâu đến đây, trên cổ còn treo một tấm gỗ, một mực đứng ở bên ngoài phòng dạy học”.
Chu Khải nghe xong chấn động nói: “Đây chính là con trâu trước đây ta phóng sinh. Nó rất nhanh trí nhạy bén. Bây giờ nó đã đến đây tức là có ý báo rằng bọn trộm cướp cũng đã sắp đến đây”.
Thế là, Chu Khải kể lại đầu đuôi vụ trộm đã xảy ra ở nhà cha vợ trước đây cho Chung Khoan nghe, đồng thời nhắc nhở ông phải đề phòng cảnh giác. Đến canh hai, ngày thứ ba quả nhiên bọn cướp đến nhà Chung Khoan. Bọn chúng cầm đao và đứng ở bên ngoài Chung gia phóng hỏa. Chung Khoan trèo lên chiếc thang hướng ra ngoài xem xét. Ông nhìn thấy, trong đám lửa, có một con trâu đang gầm thét, dùng sừng lao thẳng vào bọn cướp. Bọn cướp sợ hãi chạy toán loạn. Lúc mọi người trong nhà tụ tập lại thì thấy bọn cướp đã bỏ đi chỉ còn con trâu đã ở vào tình trạng kiệt sức, nằm ngửa mặt lên trời và chết.
Bên cạnh trâu còn có hai tên trộm đang nằm dưới đất. Mọi người cầm nến ra soi thì phát hiện một tên là Vưu Quang Vũ và một tên là tội phạm ăn trộm nhà Vương gia lần trước. Mọi người áp giải hai tên cướp đến nha môn xét xử, truy xét ra đồng bọn và bắt giữ hết lại. Nạn cướp bóc trong vùng được dẹp yên. Chung Khoan cảm động ân đức của con trâu kia, liền đem trâu đi chôn cất và lập một tấm bia mộ có dòng chữ “Nghĩa ngưu mộ”. Chung gia cũng thề từ đó không ăn thịt trâu bò.
Có người từng nói: “Vì thương cảm con trâu, mua về phóng sinh vậy mà từ một thư sinh nghèo khó, trở thành một người có tiền đồ, hẳn là Chu Khải có công đức lớn rồi. Chỉ có điều, không hiểu sao con trâu có thể dự báo trước là trộm cướp sẽ đến? Hơn nữa, nó còn biết chỗ ở mới nhất của Chu Khải. Là quỷ thần sai khiến hay chính là sự linh cảm của con trâu này?”
SHARE

3009

Đam mê với web và lập trình, thích viết và chia sẻ, nghiện cà phê và xăm mình, hứng thú với nhạc dân ca và nhạc không lời.

    Blogger Comment
    Facebook Comment